Ký hợp đồng bằng USB token chữ ký số – Hướng dẫn cơ bản
Hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới đều đã cho nhân viên làm việc tại nhà nhằm phòng ngừa sự lây lan của đại dịch Covid19. Một trong những trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt khi toàn bộ nhân viên không làm việc tại văn phòng đó là: Phát hành hợp đồng bằng cách nào? Chia sẻ về ký hợp đồng bằng USB token chữ ký số có thể hữu ích đối với bạn.
Cơ sở pháp lý của hợp đồng điện tử và chữ ký số:
Các văn bản pháp lý liên quan:
i) Luật giao dịch điện tử 51/2005/QH11 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.
ii) Nghị định số: 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Chi tiết về giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và chữ ký số Căn cứ theo Luật giao dịch điện tử 51/2005/QH11: chương II, mục I quy định:
Điều 10. Hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu: Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.
Điều 11. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu: Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.
Điều 13. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc: Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây: 1. Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu; 2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Điều 14. Thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ 1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. 2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Căn cứ theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018:
Điều 8. Giá trị pháp lý của chữ ký số
1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Nhận xét
- Với những văn bản pháp luật hiện hành, chúng ta thấy rằng các thông điệp dữ liệu (chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.) khi được ký bởi chữ ký số thì đáp ứng tất cả các yêu cầu để nó: Có giá trị pháp lý và không bị phủ nhận; có giá trị như văn bản gốc và có giá trị làm chứng cứ.
- Ngoại trừ các hợp đồng pháp luật yêu cầu bắt buộc phải ký trực tiếp và/hoặc có công chứng (mua bán nhà đất chẳng hạn), thì các hợp đồng kinh tế, dân sự khác có thể ký hoặc giao kết dưới dạng thông điệp dữ liệu hay giao dịch điện tử.
- Chúng ta vẫn thường ký chuyển tiền ngân hàng và ký hồ sơ thuế, hóa đơn hàng ngày bằng chữ ký số mà khi có tranh chấp thì không thể chối cãi rằng cái này “tôi không ký bằng tay!”.
- Các công ty lớn như Google, Microsoft, và các công ty nước ngoài vẫn ký hợp đồng xuyên biên giới bằng chữ ký điện tử với giá trị giao dịch hàng triệu USD.
Ý nghĩa
- Giao dịch điện tử có thể ký ở mọi nơi có máy tính và chữ ký số (USB Token thường dùng để ký hồ sơ thuế và chuyển tiền ngân hàng).
- Ký xong gửi bằng Email với file PDF mà không cần phải ra bưu điện hay chờ đóng gói gửi nhận.
- Lý tưởng khi cần làm việc từ xa hoặc với các công ty cung cấp dịch vụ ở quy mô địa lý rộng lớn.
- Cắt giảm chi phí con người, in ấn, vận chuyển, thời gian chờ, không gian lưu giữ, cơ hội bán hàng.
- Mở rộng quy mô hoạt động theo địa lý cực nhanh.
- Dễ truy vấn, tìm kiếm, lưu giữ.
- Tốc độ phát hành và giao hồ sơ nhanh gấp 100 – 1000 lần hồ sơ giấy. (vài phút cho hàng trăm hợp đồng và giao qua email chỉ vài giây so với vài ngày cho mỗi bộ hồ sơ).
- Trở thành Super Boss vừa ký vừa đi du lịch mà tiền lại vẫn nhiều.
Khi nào bạn nên sử dụng?
Hãy chuyển đổi sang giao dịch điện tử ngay nếu công ty của bạn:
- Cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng.
- Hợp đồng có giá trị không quá lớn.
- Thu tiền trước gửi hàng/cấp hàng sau hoặc có giao dịch đảm bảo.
- Quy mô toàn quốc, toàn cầu.
- Làm việc từ xa, tại nhà, Online.
- Cung cấp sản phẩm, dịch vụ không phải hàng vật lý.
Rủi ro là gì?
Bởi vì luật đã quy định nên ở khía cạnh pháp lý thì rủi ro của giao dịch điện tử cũng giống như rủi ro của hợp đồng ký trực tiếp. Điểm khác nhau chỉ là hình thức. Nhưng vì đa số các doanh nghiệp không quen giao dịch điện tử nên mơ hồ và không thực sự chắc chắn về tính pháp lý của nó. Hơn nữa, vì giao dịch điện tử có yêu cầu một số điều kiện để đáp ứng tính pháp lý nhưng các doanh nghiệp không am hiểu về công nghệ, không có giải pháp lưu giữ và bảo mật thông tin nên cảm thấy lo lắng. Điều này là có lý. Vì vậy, bạn chỉ nên triển khai ban đầu với các hợp đồng có giá trị vừa phải giúp bạn cảm thấy an tâm. Một khi đã an tâm và thấy hữu ích thì hãy triển khai quyết liệt. (Mình có làm việc tại các công ty đều giao dịch cả mua lẫn bán bằng hợp đồng điện tử 100% với giá trị hàng triệu USD mỗi năm và một số công ty bảo hiểm nước ngoài mà mình biết có cung cấp toàn bộ hợp đồng điện tử với giá trị từ vài triệu đến vài chục tỷ cho mỗi hợp đồng, giá trị bồi thường có thể lên đến vài chục tỷ tới vài trăm tỷ nếu là hợp đồng bảo hiểm hàng hóa kho bãi hay tàu biển.)
Cách thức triển khai
Sử dụng chữ ký số có sẵn là USB token chúng ta thường ký hóa đơn điện tử và khai hồ sơ thuế để ký.
- Quy mô lớn, toàn diện: Dùng hệ thống CRM hoặc ERP có tích hợp ký hợp đồng điện tử. (Tương tự như ký hóa đơn điện tử).
- Hoạt động thương mại điện tử: Hệ thống phần mềm web có sẵn tự xây dựng.
- Gấp, triển khai thử, chưa rõ ràng: Xuất hợp đồng ra PDF, dùng phần mềm Acrobat Reader DC để ký trực tiếp từng hồ sơ với công cụ: Certificates để ký. Kèm theo thông báo áp dụng hình thức giao dịch điện tử gửi đối tác.
PCTech sưu tầm nguồn : https://xuanhien.com/